Trong thời kỳ đổi mới, doanh nhân Việt Nam đã góp phần quan trọng vào hình thành cơ cấu xã hội và quan hệ xã hội mới, hệ giá trị và lối sống phù hợp với điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các đại diện doanh nhân, doanh nghiệp của Hiệp hội chiều ngày 7/1 tại Trụ sở Chính phủ.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực ghi nhận, đánh giá cao và chúc mừng với những thành tích, kết quả đạt được của Hiệp hội, các DN nhỏ và vừa thời gian qua.
Thứ nhất, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển tổ chức, đảm bảo 63/63 tỉnh, thành phố có tổ chức của Hiệp hội, qua đó, thực hiện tốt vai trò đại diện cho cộng đồng DN, làm cầu nối giữa DN với các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội. Thường xuyên trao đổi thông tin, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Thứ hai, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hiệp hội phải thực sự đại diện cho nguyện vọng của các thành viên Hiệp hội, xây dựng mối liên kết trong cộng đồng doanh nhân, DN trong và ngoài nước, giữa các địa phương trên cả nước. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị ở cả Trung ương và địa phương phát động phong trào khởi nghiệp sáng tạo trong nhân dân, nhất là trong độ tuổi thanh niên đầy hoài bão.
Thứ ba, các thành viên của Hiệp hội, đặc biệt là thành viên tiêu biểu, cần đi đầu trong việc tăng cường ứng dụng, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa máy móc thiết bị công nghệ cao thay thế lao động thủ công ở những công đoạn máy móc có thể thay thế để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường; nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.
Thứ tư, Hiệp hội cần tranh thủ sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các cấp để xây dựng được các cơ chế chính sách tốt, phù hợp với nhu cầu, khả năng của cộng DN trên địa bàn tỉnh. Để làm được điều này, các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành cần nghiên cứu, chỉ đạo các cơ quan tham mưu nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Chính phủ ban hành các chính sách phù hợp để thúc đẩy DN Việt Nam phát triển vượt bậc trong thời gian tới.
Thứ năm, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc tham gia các chương trình, dự án của các bộ, ngành, địa phương đang triển khai thực hiện để hỗ trợ tốt hơn cho DN hội viên, qua đó nâng cao kỹ năng quản lý, kỹ năng nghề nghiệp cho các thành viên của Hiệp hội, đặc biệt là các chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số, áp dụng nền tảng công nghệ 4.0, nghiên cứu tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tư do như EVFTA, CPTPP, RCEP để phát triển.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cần tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, phổ biến và triển khai các nội dung hỗ trợ của Nhà nước theo quy định tại Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa.
Được biết hiện nay, cả nước có khoảng 800.000 DN đang hoạt động, trong đó 98% là DN có quy mô nhỏ và vừa. Số lượng DN trung bình trên 1.000 dân và 1.000 lao động liên tục có sự gia tăng trong những năm gần đây, năm 2019, bình quân cả nước có 7,9 DN đang hoạt động/1.000 dân so với 5,4 DN năm 2016.
Giai đoạn 2017-2020, tỷ trọng của kinh tế tư nhân trong GDP luôn chiếm tỷ trọng cao nhất và liên tục tăng, từ 41,75% (năm 2017) lên mức 42,68% (năm 2020). Năng suất lao động, trình độ công nghệ, năng lực đổi mới, sáng tạo, khả năng tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu của khu vực kinh tế tư nhân có xu hướng tăng.
Bài viết liên quan