Thị trường thực phẩm bảo vệ sức khoẻ dưới góc nhìn doanh nghiệp

Hiện nay, thị trường thực phẩm bảo vệ sức khoẻ tại Việt Nam đang rất sôi động và nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm tốt vẫn còn xuất hiện nhiều sản phẩm không bảo đảm chất lượng, thậm chí có chứa chất cấm. Điều này không chỉ khiến người tiêu dùng lo lắng mà chính những doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ cũng bức xúc.

Đó là quan điểm của ông Trần Viết Thanh – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Đầu tư Life Gift Việt Nam, trong cuộc trao đổi với Tạp chí Thương Trường về thị trường thực phẩm bảo vệ sức khoẻ tại Việt Nam hiện nay.

PV: Được biết Life Gift Việt Nam là doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh nhiều loại sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ từ nhiều năm nay. Ông đánh giá thế nào về thị trường thực phẩm bảo vệ sức khoẻ hiện nay và tác động của đại dịch Covid-19 đối với thị trường này?

Ông Trần Viết Thanh: Không nằm ngoài sự phát triển của thế giới, thị trường thực phẩm bảo vệ sức khoẻ tại Việt Nam đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Hiện tại ở Việt Nam có khoảng 30.000 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ được cấp phép lưu hành. Trong đó, có hơn 70% là sản phẩm sản xuất trong nước, gần 30% còn lại là hàng nhập khẩu. Nhu cầu được chăm sóc sức khỏe dài hạn, bền vững của người dân rất lớn. Dự báo số tiền người dân Việt Nam chi cho y tế có thể đạt 23.3 tỷ USD vào năm 2025 và 33.8 tỷ USD vào năm 2030. Từ những số liệu trên tôi cho rằng thị trường thực phẩm bảo vệ sức khoẻ đang là một lĩnh vực rất sôi động, có tiềm năng đầu tư rất tốt cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Tuy nhiên, nếu không quản lý tốt thì sẽ bị hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng phá nát thị trường.

Trước tác động của đại dịch Covid-19, những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khoẻ cũng phải đối mặt với nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn lưu thông hàng hoá, sản phẩm. Bên cạnh đó, chúng tôi còn gặp nhiều khó khăn về chi phí sản xuất tăng, chủ yếu do giá một số nguyên liệu đầu vào tăng cao và phát sinh nhiều chi phí liên quan đến việc phòng chống dịch. Tuy nhiên, dịch Covid-19 cũng làm thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng, nhiều người Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm tốt cho sức khỏe. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính kích thích sự tăng trưởng của thị trường thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

PV: Theo quy định hiện nay, một nhà máy sản xuất các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ cần đáp ứng những tiêu chuẩn như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Viết Thanh: Theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ, kể từ ngày 1/7/2019, các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải áp dụng Thực hành sản xuất tốt (GMP) theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo đó, điều kiện tiên quyết không thể thiếu đối với nhà máy sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe là phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP). Tiếp đến, về nhân sự, phải bảo đảm đủ nhân viên có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí công việc được giao, được huấn luyện đào tạo kiến thức cơ bản về GMP, nhân sựphụ trách chuyên môn của cơ sở phải có trình độ từ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành Y, Dược và phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc tại lĩnh vực chuyên ngành có liên quan. Cùng với đó, hệ thống nhà xưởng, thiết bị và tiện ích phụ trợ được thiết kế, xây dựng, lắp đặt phù hợp với mục đích sử dụng, theo nguyên tắc một chiều, khép kín. Bên cạnh đó, phải bảo đảm quy trình quản lý hồ sơ, lưu trữ đầy đủ hồ sơ, tài liệu về nguyên liệu, quá trình sản xuất, kiểm soát chất lượng, lưu thông phân phối để truy xuất được lịch sử mọi lô sản phẩm và hồ sơ ghi chép toàn bộ các hoạt động khác đã được thực hiện tại cơ sở…

Trước đây, cả nước có khoảng 4.000 cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khoẻ. Tuy nhiên kể từ ngày 1/7/2019 đến nay, cả nước chỉ còn trên dưới 250 cơ sở đạt đủ điều kiện GMP để tiếp tục được hoạt động sản xuất. Để đầu tư một nhà máy sản xuất theo tiêu chuẩn GMP không chỉ đòi hỏi nguồn vốn lớn mà còn phải đáp ứng đầy đủ về đội ngũ nhân sự có chuyên môn cao. Việc áp dụng tiêu chuẩn GMP trong quản lý sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khoẻ là bước đi rất đúng đắn của Chính phủ, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, đồng thời giúp thị trường sản xuất gia công trở nên sôi động hơn, cơ hội cho các doanh nghiệp có sự đầu tư bài bản cũng nhiều hơn.

Với Life Gift Viêt Nam, ngay từ thời điểm bắt đầu xây dựng nhà máy tại KCN Cầu Tràm, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, chúng tôi luôn đề cao 3 yếu tố quan trọng là: Nhân sự có trình độ chuyên môn cao; nguồn vốn đầu tư lớn; đa dạng dây chuyền sản xuất với công nghệ mới nhằm giảm thiểu sự tác động của con người lên quá trình vận hành sản xuất. Đặc biệt, để bảo đảm nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP, chúng tôi đã ký kết hợp tác với một đơn vị có thâm niên trong ngành tại Malaysia tư vấn, chuyển giao công nghệ, theo dõi tiến độ, kiểm tra, đánh giá năng lực nhà thầu xây dựng, đơn vị cung ứng trang thiết bị, xây dựng các quy trình quản lý chất lượng, đào tạo nâng cao chuyên môn cho đội ngũ nhân sự. Nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ đầu, Life Gift Việt Nam đã được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cấp giấy chứng nhận GMP. Ngoài tiêu chuẩn bắt buộc trên, chúng tôi cũng áp dụng đồng thời cả hai tiêu chuẩn ISO22.000-2018; FDA. Ngoài những công thức sản phẩm được chuyển giao từ nước ngoài, bộ phận nghiên cứu và triển khai của chúng tôi cũng tự nghiên cứu phát triển nhiều sản phẩm. Đồng thời, chúng tôi đã ký kết hợp tác với Khoa Dược – Trường Đại học Nguyễn Tất Thành để tiếp nhận chuyển giao nhiều quy trình, công nghệ và các đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ việc sản xuất ra những sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ chất lượng.

PV: Ông có thể nói cụ thể về quy trình sản xuất và đưa một sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ đạt chất lượng ra thị trường như thế nào?

Ông Trần Viết Thanh: Quy trình sản xuất các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ thì còn tuỳ thuộc vào hệ thống công nghệ, dây chuyền sản xuất của mỗi nhà máy nhưng vẫn phải đáp ứng những quy trình cơ bản chung. Hiện chúng tôi áp dụng theo các bước như sau: Đối với nguyên liệu, phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tất cả phải kèm theo COA (bảng phân tích thành phần) để đối chiếu, kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo tính ổn định, an toàn của từng lô nguyên liệu. Bên cạnh đó, khi nguyên liệu về đến kho sẽ được lấy mẫu kiểm nghiệm độc lập tại phòng kiểm nghiệm của nhà máy để đối chiếu xem trong nguyên liệu có những chất độc hại nào không, đảm bảo an toàn cho người dùng và kịp thời loại bỏ các nguyên liệu không tương tác được với nhau. Chỉ khi 100% lô nguyên liệu đều qua kiểm duyệt mới được đưa sang xưởng sản xuất. Nếu không đạt, quy trình sẽ ngay lập tức dừng lại, không được phép sản xuất khi nguyên liệu không đạt chuẩn.

Nguyên liệu sau khi được kiểm duyệt kỹ càng sẽ được cân, chia thành các mẻ, tiến hành trộn đều nguyên liệu, khống chế kích thước tiểu phân, cũng như độ ẩm của bột. Tiến hành phun sấy tạo cốm, rồi bao trộn bên ngoài sao cho phù hợp với dạng bào chế, tốc độ quay, thời gian trộn đều cần phải được kiểm soát liên tục, khi nguyên liệu được bào chế xong sẽ được chuyển sang công đoạn dập viên, cấp nang, tạo viên hoàn, ép túi… Tuỳ theo dạng sản phẩm sẽ chọn thiết bị, dây chuyền sản xuất phù hợp, toàn bộ quá trình sản xuất, nhân viên phải giám sát liên tục, thường xuyên lấy mẫu đi kiểm tra khối lượng, kích thước. Nếu có sai lệch cần phải tiến hành điều chỉnh ngay.

Sản phẩm thành phẩm có thể ép vỉ hay đóng gói, đóng lọ tuỳ theo mẫu sản phẩm đã đăng ký với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). Trên bao bì sản phẩm phải ghi rõ thông tin cần thiết để người tiêu dùng tiện tra cứu, kiểm tra và theo dõi. Việc kiểm tra chất lượng trước khi xuất xưởng là bước kiểm tra chất lượng cuối cùng và cũng rất quan trọng. Nếu bỏ qua bước này, sản phẩm sẽ không được phép đưa vào lưu hành. Việc kiểm tra là để đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt và an toàn, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần thiết trước khi đưa ra thị trường, bao gồm cả độ ổn định sản phẩm. Cùng với việc bàn giao sản phẩm cho khách hàng đối tác thì việc lưu giữ toàn bộ hồ sơ liên quan đến lô hàng sản xuất cũng cần đặc biệt quan tâm. Thông tin về sản phẩm sẽ được lưu giữ lại, tiện cho việc tra cứu sau này.

PV: Có thể thấy ngay từ việc xây dựng nhà máy đến quy trình sản xuất đã phải đáp ứng những quy định chặt chẽ. Vậy theo ông nguyên nhân vì sao thời gian qua trên thị trường vẫn xuất hiện những sản phẩm không đảm bảo chất lượng, thậm chí có chất cấm nguy hiểm cho người sử dụng?

Ông Trần Viết Thanh: Bản thân tôi cũng cảm thấy rất bức xúc trước việc thực phẩm bảo vệ sức khoẻ nhưng lại không tốt cho sức khoẻ vì không đảm bảo chất lượng hoặc có chứa chất cấm sử dụng trong thực phẩm. Việc những sản phẩm này vẫn được sản xuất và đưa ra thị trường có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên phải kể đến là việc sản xuất hàng giả hiện nay trên thị trường ngày càng tinh vi. Hoặc có thể do nhà máy dù đã được cấp chứng nhận GMP nhưng trong quá trình sản xuất lại không tuân thủ đúng quy trình dẫn đến sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, để xây dựng, vận hành một nhà máy sản xuất theo tiêu chuẩn GMP thì giá thành sản phẩm làm ra sẽ cao hơn các cơ sở sản xuất không tuân thủ tiêu chuẩn GMP. Do đó, lâu nay trên thị trường vẫn có hiện tượng một số đơn vị không đạt chuẩn GMP tìm đến hợp tác gia công sản phẩm tại các cơ sở đủ điều kiện nhằm mục đích hoàn tất hồ sơ Công bố chất lượng sản phẩm tại Cục ATTP, sau đó tận dụng cơ sở vật chất cũ để sản xuất thêm một lượng hàng hoá nào đó theo số hồ sơ đã được cấp phép để giảm chi phí giá thành, kiếm lợi bất chính. Nếu không cảnh giác với vấn đề này, rất nhiều rủi ro có thể xảy ra với các doanh nghiệp sản xuất khi nhận sản xuất gia công sản phẩm.

Để hạn chế thực trạng nêu trên, sau khi sản xuất gia công cho khách hàng, chúng tôi luôn tiến hành lưu mẫu sản phẩm để đối chiếu chất lượng. Ngoài ra bộ phận kiểm tra chất lượng cũng sẽ theo dõi và hậu kiểm bằng cách mua sản phẩm ngẫu nhiên trên thị trường để đối chiếu với mẫu lưu nhằm kịp thời phát hiện để có biện pháp xử lý. Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất chúng tôi cũng có những quy cách rất riêng để dễ dàng phát hiện ra sự khác biệt nếu sản phẩm đó không do chúng tôi sản xuất.

Tôi rất đồng tình với việc thời gian qua các cơ quan chức năng quyết liệt vào cuộc quản lý thị trường thực phẩm bảo vệ sức khoẻ và xử phạt, buộc thu hồi nhiều sản phẩm có chứa chất cấm, không đảm bảo chất lượng. Công khai các sản phẩm, doanh nghiệp vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người cùng nắm thông tin và giám sát. Việc này sẽ góp phần siết chặt đầu ra cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, đem đến sự an tâm cho người dùng. Đồng thời, thúc đẩy thị trường thực phẩm bảo vệ sức khoẻ phát triển minh bạch, lành mạnh, xây dựng “sân chơi” công bằng cho những doanh nghiệp chân chính. Về phía người tiêu dùng, khi sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ sẽ giúp họ dễ dàng hơn trong việc lựa chọn được các sản phẩm đảm bảo chất lượng.

PV: Ông có lời khuyên gì cho người tiêu dùng để lựa chọn được những sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ bảo đảm chất lượng, hiệu quả khi sử dụng?

Ông Trần Viết Thanh: Người tiêu dùng chỉ nên mua những sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Để tránh mua phải hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, xem kĩ thông tin trên bao bì về cơ sở sản xuất, đơn vị chịu trách nhiệm chất lượng, phân phối có uy tín. Hiện nay người tiêu dùng có thể dễ dàng tra cứu thêm thông tin về các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ trên website https://nghidinh15.vfa.gov.vn/Tracuu. Khi phát hiện thông tin sai lệch hoặc có dấu hiệu giả mạo cần thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước để có biện pháp xử lý nhằm bảo đảm quyền lợi cũng như an toàn cho chính mình và người thân, tránh gây thiệt hại đến sức khỏe và kinh tế.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 Quang Tuấn

Nguồn tin: https://thuongtruong.com.vn/news/thi-truong-thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-duoi-goc-nhin-doanh-nghiep-96492.html